Thuở xa xưa, nơi một vùng quê ẩn dật dưới chân núi, có cụ già thường ngồi tựa bên gốc thị già, tay lần tràng hạt, mắt dõi nhìn đám trẻ chơi đùa giữa sân đình. Cụ hay kể chuyện cổ, giọng trầm trầm, mà mỗi câu mỗi chữ đều như gieo hạt vào lòng người nghe. Một buổi chiều cuối thu, cụ bảo:
“Con người, dẫu làm điều lành hay dở, đều mang trong đó một nỗi mong cầu. Không ai sinh ra để hại người. Chỉ vì họ không biết cách nào hơn để sống sót hay được yêu.”
Lũ trẻ khi ấy chưa hiểu. Nhưng năm tháng trôi đi, từng đứa lớn khôn, đi xa, trải gió sương… mới thấy lời cụ già khi xưa như kim chỉ nam cho những bước chân trượt dài trong giận dữ, hờn trách hay thù oán.
Trong Tâm lý học tích cực và đặc biệt là trong phương pháp trị liệu bằng Lập trình Ngôn ngữ Tư duy (NLP), có một giả định nền tảng sâu sắc: "Every behavior has a positive intention" – Mỗi hành vi đều có một chủ đích tích cực.
Ý này nghe qua có thể khiến người đời ngạc nhiên, thậm chí phản bác. Làm sao có thể nói hành vi tổn thương người khác, lừa dối, trộm cắp… lại mang chủ đích “tốt”? Nhưng nếu ta chịu dừng lại một chút, nhìn sâu hơn vào trái tim người ấy, sẽ thấy phía sau hành vi ấy là một nỗi sợ, một mong cầu chưa được thỏa nguyện – có thể là sự sống còn, là tình yêu, là công nhận, là an toàn…
Steve Jobs – người đồng sáng lập Apple, từng nổi tiếng với tính khí nóng nảy, hay quát tháo nhân viên, thậm chí bị đánh giá là “khó chịu và tàn nhẫn”. Nhưng đằng sau sự khắt khe ấy, ông có một chủ đích: mưu cầu sự hoàn hảo, tạo ra sản phẩm vĩ đại làm thay đổi thế giới. Người ta kể, có lần Jobs yêu cầu nhóm thiết kế sửa lại một góc bo tròn… chỉ vì “chưa đủ đẹp như một tác phẩm nghệ thuật.”
Chủ đích của ông không phải là gây đau khổ cho người khác, mà là để họ vượt giới hạn, để chính ông giữ trọn một niềm tin: công nghệ có thể chạm đến cái đẹp tuyệt đối. Dẫu cách thể hiện có phần khắt khe, song gốc rễ vẫn là một điều tích cực.
Một người mẹ đánh con. Người ngoài nhìn vào, phán xét: “Bà ấy bạo hành!”. Nhưng nếu ta ngồi xuống nghe bà kể, có thể ta sẽ rơi nước mắt: "Tôi không biết dạy con cách nào khác… Tôi sợ nó đi sai đường. Tôi chỉ muốn con được tốt hơn mình ngày trước."
Trong giận dữ kia là nỗi bất lực, là tình thương vụng về. Chủ đích – chính là mong con nên người.
Khi hiểu điều này, ta không còn dễ trách nữa. Ta học cách lắng nghe, cảm thông, và nếu có thể – chỉ đường, truyền trao ánh sáng. Vì chẳng có ai sinh ra đã biết cách yêu đúng cách.
"Hiểu người là trí, hiểu mình là giác. Bao dung người là đức, sửa mình là nhân."
Tư tưởng “mỗi hành vi có chủ đích tích cực” là cội nguồn của lòng bao dung. Khi ta nhận ra mọi hành vi đều là cách người khác đối phó với thế giới trong hiểu biết giới hạn của họ, ta bớt phán xét, bớt đòi hỏi, và biết ơn những điều ta đã được học, được thấy.
Lão Tử cũng từng dạy:
“Người tốt ta đối tốt. Người không tốt – ta cũng đối tốt, để họ học điều tốt.”
“Người tin ta tin. Người không tin – ta vẫn tin, để họ học điều tin.”
Ấy là đạo của người biết nhìn sâu hơn vẻ bề ngoài, thấy cả trong tổn thương là hạt giống của yêu thương chưa nở.
Ai hỏi vì sao ông có thể tha thứ, Mandela đáp:
“Khi tôi bước ra khỏi cánh cửa dẫn đến tự do, tôi biết rằng nếu không để lại nỗi đau và giận dữ sau lưng, tôi vẫn sẽ ở trong tù.”
Ông hiểu rằng: hành vi của kẻ đàn áp mình cũng xuất phát từ một chủ đích tích cực – bảo vệ đặc quyền, giữ vị thế, gìn giữ nỗi sợ trước sự thay đổi. Không đồng tình, nhưng thấu hiểu. Từ đó, ông chuyển hóa lịch sử.
Không chỉ là nhìn tha nhân bằng ánh mắt cảm thông, tư duy này còn giúp ta yêu chính mình hơn.
Bao lần ta trách bản thân: “Sao mình yếu đuối thế?”, “Sao lại chọn con đường sai?”, “Mình không đủ tốt…”
Nhưng nếu ta quay về hỏi: “Tại sao lúc ấy mình lại làm như vậy?” – có thể ta sẽ nhận ra:
Vì ta sợ bị bỏ rơi.
Vì ta cần một lời khen.
Vì ta muốn chứng minh giá trị của mình.
Chủ đích của ta – hóa ra là tích cực. Ta chỉ chưa biết cách biểu lộ đúng đắn hơn. Và từ đó, ta học cách tha thứ, rồi sửa mình bằng lòng yêu thương.
Người tỉnh thức không phải là người luôn đúng, mà là người hiểu: mỗi lỗi lầm đều là tín hiệu cho một điều chưa chữa lành.
Một đứa trẻ ăn cắp, có thể vì nó đói. Hoặc vì nó thèm được chú ý.
Một người nói dối, có thể vì họ từng bị phán xét quá nhiều lần khi nói thật.
Một người hay khoe khoang, có thể vì bên trong là nỗi sợ mình chẳng đủ hay ho.
Người tỉnh thức không chỉ hỏi: “Bạn đã làm gì?”
Mà còn hỏi: “Bạn cần gì khi làm điều đó?”
Đó là điểm bắt đầu của sự chuyển hóa – từ phán xét sang thấu hiểu, từ đối đầu sang đồng hành.
“Muốn hiểu một người, đừng nhìn cái họ làm, hãy nhìn nỗi niềm họ giấu trong lòng.”
Tư duy “mỗi hành vi đều có chủ đích tích cực” không phải để ta dung túng cái sai. Mà để ta hiểu – rồi dẫn nhau về điều đúng.
Cũng như người làm vườn nhìn một cây non mọc xiêu vẹo, không giận nó, mà kiên trì uốn nắn – vì ông biết: cây nào cũng vươn về phía ánh sáng, chỉ là có lúc mặt trời bị mây che khuất.
#Mỗihànhviđềucóchủđích#LêThịNam#NamLe
0987500649